HỘI THẢO QUỐC TẾ
CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC TẾ CHỐNG TRA TẤN CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ
HOẠT TRỪNG PHẠT TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI.
TP. Hồ Chí Minh ngày 8-9 tháng 12 năm 2014
PHÁT
BIỂU KHAI MẠC CỦA ÔNG VŨ ANH QUANG,
VỤ
TRƯỞNG VỤ CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ, BỘ NGOẠI GIAO
TẠI
HỘI THẢO VỀ CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HOẶC TRỪNG PHẠT TÀN
BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI (CAT)
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08/12/2014
Kính thưa Giáo sư
Manfred Novak và các diễn giả,
Kính thưa các Quý
vị đại biểu,
Thay mặt Bộ Ngoại giao, tôi xin nhiệt liệt chào mừng
quý vị tới dự cuộc Hội thảo về Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử
hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người của Liên hợp quốc.
Hội thảo của chúng ta hôm nay là sự tiếp nối cuộc hội
thảo đã diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6/2014 vừa qua nhằm giới thiệu tổng quát
và toàn diễn về một trong những văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người,
một công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, đối xử vô nhân
đạo hoặc hạ nhục con người, qua đó góp phần tăng cường nâng cao nhận thức của
các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội về các quy định của pháp luật
và các cơ chế hiện hành trong việc ngăn ngừa và bảo vệ mọi người khỏi mọi hình
thức tra tấn. Hội thảo của chúng ta càng có ý nghĩa thiết thực khi đúng 10
ngày trước đây, ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê
chuẩn Công ước chống tra tấn.
Thưa Quý vị đại biểu,
Như chúng ta đã biết, Việt Nam ký Công ước chống tra tấn
ngày 7 tháng 11 năm 2013 và cam kết sẽ sớm phê chuẩn Công ước này. Việc Quốc hội
phê chuẩn Công ước chỉ một năm sau khi ký kết đã chứng tỏ Việt Nam luôn tôn trọng
mọi cam kết quốc tế của mình, nhất là trong lĩnh vực quyền con người, đồng thời
thể hiện quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành
vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản
của con người. Nhân dịp này, tôi cũng xin khẳng định việc tham gia Công ước
chống tra tấn cũng như 6 Công ước cơ bản khác của Liên hợp quốc về quyền con
người thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ
và thúc đẩy các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế. Đây cũng là bước
đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam,
khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề
mà quốc tế quan tâm, phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 cũng như nhiều khuyến
nghị UPR mà Việt Nam đã chấp nhận liên quan đến việc phê chuẩn và thực hiện
Công ước chống tra tấn.
Thưa Quý vị đại biểu,
Việc thực hiện Công ước chống tra tấn, bao gồm cả vấn
đề pháp lý và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực
này, là một quá trình đòi hỏi sự tham gia rộng rãi của không chỉ các cơ quan
liên quan ở trung ương và địa phương, mà còn cần có những đóng góp tích cực từ
các tổ chức chính trị, xã hội và người dân. Tôi hi vọng cuộc hội thảo của chúng
ta ngày hôm nay sẽ là một sự đóng góp hữu ích cho các nỗ lực của Chính phủ và
toàn xã hội trong việc thực thi Công ước chống tra tấn.
Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Giáo
sư Manfred Novak, Giáo sư luật quốc tế và quyền con người Đại học Viên, Áo, người
từng tham dự cuộc hội thảo tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua và tiếp tục nhận lời
tham dự hội thảo của chúng ta ngày hôm nay. Với kinh nghiệm từng là Báo cáo
viên đặc biệt của Liên hợp quốc về chống tra tấn và là một trong những tác giả
của bản báo cáo của Liên hợp quốc về nhà tù Guantanamo, Giáo sư Novak sẽ giúp
làm rõ các nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và các nghĩa vụ của quốc
gia thành viên.
Chúng ta cũng sẽ được tham khảo kinh nghiệm của Mỹ
trong thực hiện trong Công ước chống tra tấn qua phần trình bày của ông Brian
Buchner, Thanh tra đặc biệt thuộc Văn phòng điều tra Cảnh sát bang Los Angeles,
Mỹ, đồng thời lắng nghe đại diện của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương và
đại diện Bộ Công an giới thiệu các quy định của pháp luật và thực tiễn của Việt
Nam và quốc tế trong việc đảm bảo các quyền con người nói chung và trong lĩnh vực
chống tra tấn nói riêng.
Cùng với sự tham dự đông đảo và tích cực của đại diện
các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội,
nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội và sự
quan tâm đưa tin của các cơ quan báo chí, tôi tin tưởng rằng cuộc hội thảo của
chúng ta ngày hôm nay sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.
Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo, chúc hội thảo
thành công tốt đẹp và chúc Quý vị đại biểu sức khoẻ.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Tổng kết Hội thảo Quốc tế Công ước chống tra tấn và các hình thức
đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Ngày 6/6/2014, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo có chủ đề “Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn-CAT) với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hội thảo đã giới thiệu một số nội dung chính của Công ước CAT và giúp các đại biểu trong và ngoài nước có cơ hội thảo luận những vấn đề thực tiễn liên quan đến tiến trình gia nhập và thực thi công ước của Việt Nam.
Hội thảo nhằm giới thiệu chi tiết nội dung của Công ước chống tra tấn, các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên đồng thời trao đổi làm rõ quy định của pháp luật và thực tiễn của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền con người nói chung và trong lĩnh vực chống tra tấn nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hồng Nam, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định việc ký Công ước chống tra tấn thể hiện cam kết của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn đối xử tàn bạo và đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Ông Vũ Hồng Nam cũng nhắc lại cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước trong năm 2014.
Hội thảo đã nghe Giáo sư Manfred Nowark, thiệu về Công ước CAT và Nghị định thư tùy chọn về Công ước chống tra tấn (OPCAT). Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an giới thiệu về tiến trình nghiên cứu phê chuẩn Công ước CAT; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước CAT, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống tra tấn và các hành vi trái pháp luật khác được quy định trong công ước.
Hội thảo cũng đã làm rõ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, phê chuẩn và triển khai thực hiện công ước trên thực tế như: (i) pháp luật Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật chưa cao và đặc biệt là chưa có các quy định riêng biệt, cụ thể về tội danh tra tấn, về thủ tục điều tra, truy tố đối với tội phạm này trong khi đây là những quy định quan trọng được ghi nhận trong Công ước chống tra tấn; (ii) hiện Việt Nam còn thiếu một đội ngũ chuyên gia về pháp luật quốc tế, có trình độ ngoại ngữ tốt để tác nghiệp và trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp hình sự…, đặc biệt là để thực thi Công ước chống tra tấn.
Trong các phiên thảo luận, đại diện từ các cơ quan, bộ ngành, báo chí, truyền thông đã nêu thẳng thắn ý kiến, thắc mắc cũng như thể hiện sự quan tâm về quá trình thực thi CAT sao cho hiệu quả tại Việt Nam; đặc biệt, đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…
Đại diện các bộ ngành Việt Nam cho biết Việt Nam đã lập ban nghiên cứu CAT gồm 14 người từ các bộ ngành và rất hoan nghênh các viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu độc lập, các tổ chức xã hội, báo chí, truyền thông phối hợp, đóng góp ý kiến để giúp Việt Nam gia nhập và thực hiện CAT thành công.
Thời gian qua, báo chí truyền thông đã góp phần phát hiện những vi phạm. Đồng thời, Bộ Công an cũng sẽ tăng cường đào tạo năng lực, trình độ của người cán bộ Công an để khi điều tra có những lời khai đúng luật.
Thông qua Hội thảo, các bộ, ban, ngành cũng như các nhà nghiên cứu nhân quyền, báo chí truyền thông đã có một cái nhìn rõ ràng hơn trong quá trình gia nhập CAT và rút được nhiều bài học kinh nghiệm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền con người nói chung và trong lĩnh vực chống tra tấn nói riêng. Hội thảo này, cùng với nhiều hội thảo chuyên đề khác có liên quan do Bộ Công an, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, một số viện nghiên cứu và trường đại học thực hiện đã giúp đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Công ước chống tra tấn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét