CƠ SỞ SHOP LƯU NIỆM
DIỆU LINH
Số 87/6 Đường 15, Phường Tân Quy, Quận 7, TP.HCM
Email: handmadedieulinh63@gmail.com
Web: www.luuniemdieulinh.com
ƯỚC MƠ PHA LÊ
Chị Nguyễn Thị Diệu Linh (SN 1963, ngụ tại số 112, đường 39, KP.3, P.Tân Quy, Q7, TPHCM) sinh trưởng trong một gia đình có cha, mẹ đều là giáo viên tiểu học.
Hai tuổi, một cơn sốt bại liệt quái ác đã cướp đi đôi chân của chị. Từ đó, cô bé Diệu Linh lớn lên trong tự ti, mặc cảm tật nguyền. Đến tuổi đi học, chị cũng háo hức cắp sách đến lớp như chúng bạn, dẫu đoạn đường chị qua chẳng được bằng phẳng, dễ dàng. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, 12 năm học chị đều đạt danh hiệu khá, giỏi. Ngoài ra, ngay từ thời cấp 3 chị đã theo học nghề may vào những lúc rảnh rỗi với hy vọng làm được sản phẩm để phụ giúp cha mẹ nuôi em.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, vì không đủ điều kiện thi đại học nên chị nhận hàng về nhà để may. Từ đó, đời chị gắn chặt với chiếc máy may gần 20 năm.
Trong một lần đến chơi nhà cô bạn thân, nhìn những sản phẩm kết cườm được đặt trang trọng trên bàn, lòng chị trỗi dậy niềm háo hức, tò mò mãnh liệt. Chị mạnh dạn đăng ký học một khóa đào tạo nghề kết cườm, thêu tranh tay tại Trung tâm bảo trợ - dạy nghề cho người tàn tật (215 Võ Thị Sáu, P7, Q3 và CLB Hướng Nghiệp Khuyết Tật Trẻ). Ban đầu, chị kết vòng đeo tay, làm bình hoa, ví... giới thiệu đến những bạn hàng hay lui tới đặt may quần áo. Sau khi nhận chứng chỉ sơ cấp nghề kết cườm, chị bỏ hẳn bàn may để đến với niềm đam mê thật sự của mình. Ngày nào cũng vậy, chị cắm cúi làm từ sáng sớm đến tận tối mịt rồi mới lui cui vào bếp lo bữa cơm cho mình.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm gần chợ Tân Quy của chị, có mấy chiếc tủ kính trưng bày sản phẩm kết cườm (vòng đeo tay, dây đeo cổ, bình hoa, ví, túi xách...). Những sản phẩm thủ công rất mộc như thế đã ra đời từ bàn tay chị và được nhiều người trầm trồ ngợi khen.
DiệuLinh bộc bạch: “Với tôi, hạt cườm đã trở thành một người bạn, một nguồn động viên tinh thần vô giá. Hồi trước tôi sống khép kín, nhưng từ khi theo nghề, có dịp ra ngoài mua vật liệu, tiếp xúc với nhiều chị em khuyết tật khác, tôi vui hẳn lên và thấy yêu đời hơn. Tôi hy vọng trong thời gian tới có thể mở cơ sở để tạo việc làm cho những người bạn đồng cảnh”.
Ngoài kết cườm, DiệuLinh còn dành nhiều thời gian để thêu tranh tay. Trong triển lãm “Vươn lên từ cánh hoa khuyết” năm 2010, chị đã thêu bức tranh mang chủ đề “Mai - Lan - Cúc - Trúc” bằng tất cả tâm huyết và hy vọng góp chút công sức cho cộng đồng. Vì thế, số tiền bán đấu giá bức tranh (7,2 triệu đồng) dù không quá lớn nhưng là sự sẻ chia của chị dành cho những mảnh đời kém may mắn hơn mình.
Thời gian này, chị tất bật với các đơn đặt hàng cuối năm và nhận dạy nghề miễn phí cho cô bé Nguyễn Thị Gấm (SN 1991) do Dự án Cầu Hàn (Hội bảo trợ trẻ em TPHCM quản lý) giới thiệu nên càng bận rộn. Dù vậy, trên gương mặt chị vẫn rạng ngời niềm vui, niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Chị Lê Thị Cẩm Giang, Điều phối viên mảng dạy nghề - việc làm của Dự án Cầu Hàn, chia sẻ: “Không chỉ tự lo cho bản thân có cuộc sống tốt, chị Diệu Linh còn giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh. Đây là những việc làm rất đáng tr0ân trọng”.
Linh tâm sự: “Ngày nào tôi cũng tiếp xúc với những hạt pha lê nhiều màu và thấy chúng rất đẹp. Tuy vậy, ai cũng biết, pha lê rất dễ vỡ nên phải nâng niu, gìn giữ thật cẩn thận. Đối với tôi, ước mơ cũng giống như pha lê vậy. Tôi dặn lòng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng từ bỏ ước mơ của mình mà hãy nâng niu, trân trọng nó. Bởi vì, có ước mơ thì mình sẽ có động lực để sống và phấn đấu”.
Nhân chuyến đi thăm cơ sở thành viên NKT của CLB Hướng Nghiệp Khuyết Tật Trẻ, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự nổ lực vươn lên của học viên Diệu Linh, Qua quá trình học tập yêu nghề và phấn đấu vươn lên phát triển hội nhóm. Thật tuyệt vời, hiện nay Diệu Linh đã là chủ của một cơ sở "Shop Lưu Niệm Diêu Linh". Đây cũng là tiêu điểm tiếp đón những người khuyết tật, nhân viên CTXH đến giao lưu học tập và làm việc nhằm phát triển hướng nghiệp dạy nghề và tạo việc làm cho NKT để hòa nhập cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét