Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM
LIÊN HIỆP HỘI VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM (VFD)
TÔN VINH NỮ DOANH NHÂN KHUYẾT TẬT TIÊU BIỂU
CÔ HUỲNH HUỆ LIÊN 
CLB HƯỚNG NGHIỆP KHUYẾT TẬT TRẺ TP.HCM
HÀ NỘI ngày 15/12/2016

1. Thông tin cá nhân:

Họ và tên: Huỳnh Huệ Liên
Năm sinh: 18 – 08 - 1959
Dân tộc: Kinh
Tôn giáo: Tin lành
Đối tượng: Nữ doanh nhân
Địa chỉ: Lô P, số 16 Bến Vân Đồn, P.16, Q.4, TP.HCM
Điện thoại: 0983 633 053


2. Thành tích:


- Năm 2007 chính quyền địa phương Q.4 tặng Bằng khen, Giấy khen Người tốt việc tốt và lớp Thêu Hè cho Thiếu nhi. 

- Hội LHPN TP.HCM tặng giấy khen gương phụ nữ vượt khó. Giai đoạn (2010-2015) 

- Năm 2015 được Quận 4 Tuyên dương Người tốt việc tốt. 

- Năm 2015 nhận Bằng khen của Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam. 

- Năm 2015 Nhận Bằng khen của Tổ chức YMCA OF VIETNAM về hòa nhập cộng đồng. 

- Năm 2015 Nhận giấy khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Hội. 

- Năm 2016, đạt giải nhì trong Hội thi Giới thiệu sản phẩm Ngày hội Phụ nữ khuyết tật. tại Hội LHPN TP.HCM.

- Năm 2016 Nhận Bằng khen Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam đã có thành tích xuất sắc tham gia phong trào Phụ nữ và hoạt động Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam.


3. Tiểu sử


Tôi sinh ra trong một gia đình công chức tại Q.4, cha làm nhân viên bào chế thuốc, mẹ là giáo viên. Chưa tròn một tuổi, tôi bị sốt bại liệt, hai chân mềm nhũn và teo dần. Sau này, bác sỹ phải dùng nẹp cố định chân thì tôi mới có thể chống nạng đứng dậy. Khi đi học, thỉ thoảng tôi bị bạn bè cố tình xô ngã, trêu “Tụi bây ơi đừng chơi với con què”, “con què”, “què mà còn bày đặt đi học”… . Những lời ấy như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Tôi đã nghĩ rằng với gia đình, mình là gánh nặng, còn ngoài xã hội mình sẽ không làm được gì. 

Ngày tôi còn đi học, người khuyết tật bị kì thị rất nặng nề chứ không như bây giờ. Bạn bè tránh xa như thể mình là cái gì đó đáng sợ lắm. Điều này gieo vào tâm hồn tôi cảm giác tự ti, xấu hổ. Đây cũng là lý do sau này khi trở thành một doanh nhân, sinh hoạt tại CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ, Trung tâm khuyết tật và phát triển – DRD Việt Nam, có điều kiện gặp gỡ nhiều chị em, các bạn trẻ đồng cảnh, tôi đã tự dặn mình phải nổ lực để có thể góp một tiếng nói, một hình ảnh tốt đẹp về người khuyết tật, để giảm đi sự phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội với người khuyết tật. 

Cha chở tôi đến nhà cô giáo và rước về vào buổi chiều. Lúc đầu học dưới tầng trệt nên việc di chuyển không khó khăn lắm. Được một thời gian, tôi thành thạo các bước cơ bản nên chuyển qua học thêu nâng cao. Lớp trên lầu hai, mỗi ngày phải lên, xuống liên tục rất vất vả. Lên, xuống lầu có khi phải lết tay từng tí một. Bàn tay tôi luôn có những nốt chai sần, trầy xước. Không muốn cha vất vả quá nhiều vì mình, tôi xin cô giáo cho ở lại buổi trưa. Mỗi sáng mẹ gói cho tôi gói xôi hoặc ít cơm mang theo ăn, mẹ chính là người bảo bọc định hướng nghề nghiệp đời tôi. Tay đau, cơm nguội ngắt, không có canh, không có thịt cá gì, nhưng tôi vẫn thấy ngon. Bởi tôi tin rằng, chỉ cần ráng từng ngày thì con đường này chính là tương lai của mình. 

Ra nghề, tôi hăm hở đi xin việc, nhưng tới đâu cũng bị từ chối khéo. Người ta nói ngắn gọn, ngoại hình không hợp với công việc dù chưa từng cho thử qua xem tay nghề tôi thế nào. Tôi đành từ bỏ ý định kiếm công việc bên ngoài. Có lẽ tình cảnh này cũng giống chuyện các bạn sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Tôi tự an ủi mình, phải tìm cách trụ vững với nghề cái đã, làm ở đâu cũng được. Tôi nhận hàng chỗ mấy tiệm may gần nhà về thêu. Sau hai năm, có một số chủ tiệm may tin tưởng giao cho tôi nhiều nguồn hàng hơn. Thấy chị em nội trợ có thời gian nhàn rỗi không biết làm gì, tôi bèn dạy thêu miễn phí cho họ. Kế đến, tôi gặp gỡ và truyền nghề cho những bạn đồng cảnh với mình. 

Năm 2005, tôi mở cơ sở tranh thêu tay nghệ thuật Dorcas ngay tại nhà. Lúc mới thành lập, không có nhiều vốn, tôi phải mượn thêm tiền của người quen để mua vải, chỉ cho các em thực tập, thêu chào hàng. Vì thiếu kinh nghiệm thương trường, tôi thường bị người ta giật mối, cạnh tranh không lành mạnh nên thua lỗ. Nhiều em lung lạc, có em bỏ đi. Chưa hết, vừa mở cơ sở được vài tháng, đột nhiên thị trường chuyển từ thêu tay sang thêu máy làm tôi xoay xở không kịp. Hơn nữa, tôi lại không có vốn để cùng lúc trang bị nhiều máy móc nên cơ sở thêu khó lòng cạnh tranh nổi. Mở cơ sở rồi thì nó như đứa con tinh thần của mình, làm sao từ bỏ được. Tôi chạy khắp nơi để tìm mối, tiếp thị sản phẩm. Với người khỏe mạnh, việc đi lại chẳng là gì, còn với tôi, mọi thứ đều là mớ bòng bong. Những ngày thành phố mưa tầm tã, tôi cũng lặn lội ra đường gõ cửa chỗ này chỗ kia giới thiệu hàng cho bằng được. Lúc đó, tôi không thể chùm bước. Tôi biết, Dorcas đâu phải của riêng mình. Nó là hy vọng, là tương lai của rất nhiều người đồng cảnh vói tôi nữa. 

Tôi biét đến CLB Hướng nghiệp Khuyết tật trẻ. Từ đây, cuộc đời tôi như sang trang mới. Chủ nhiệm CLB – anh Trần Văn Trung đã giới thiệu tôi với các bạn có cùng hoàn cảnh, tạo điều kiện cho tôi sinh hoạt. Đồng thời, anh còn giới thiệu nhà báo viết bài về tôi như một tấm gương người khuyết tật “tàn nhưng không phế”. Thú thật trước khi đến với CLB, dù đã là nữ doanh nhân, tôi vẫn rất ngại nói về mình. Tôi nghĩ bản thân không có gì nổi trội. Nhưng, anh Trung luôn động viên, khích lệ tôi. Bên cạnh ý chí, quyết tâm làm nghề thì mình cần phải chia sẻ, phải bộc bạch tâm tư, nguyện vọng thì người khác mới hiểu mình được. Nhờ vậy, tôi trở nên dạn dĩ hơn. Về sau, tôi còn vinh dự là giáo viên dạy thêu của CLB nữa. Ngoài thời gian thêu tranh, dạy nghề, tôi còn tham gia nhiều hoạt động của CLB Phụ nữ khuyết tật (trực thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD Việt Nam) và Hội Phụ nữ tại địa phương. 

Trong quá trình làm - dạy nghề, cũng như thời gian tham gia các công tác ngoài xã hội, tôi đã được Hội LHPN TP.HCM, các tổ chức về người khuyết tật và chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Cụ thể, Năm 2007, được Hội LHPN TP.HCM tặng giấy khen gương phụ nữ vượt khó. Giai đoạn 2010-2015, được tuyên dương Người tốt việc tốt tại quận. Năm 2015, tôi vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam, Bằng khen của Tổ chức YMCA OF VIETNAM về hòa nhập cộng đồng năm 2015 và giấy khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Hội. Đến năm 2016, tôi đạt giải nhì trong Hội thi Giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội Phụ nữ khuyết tật. 

Có được ngày hôm nay, bản thân tôi tâm niệm, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tin mình, dựa vào chính bản thân mình và nỗ lực từng ngày, không nản lòng, không bỏ cuộc. Về lâu dài, tôi mong muốn có hẳn một lớp học riêng để dạy nghề, đồng thời hy vọng được điều kiện tìm đầu ra cho sản phẩm nhiều hơn nữa.
Huỳnh Huệ Liên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét