Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

LỄ HỘI YÊU THƯƠNG 2013


CN, 29/12/2013 - 11:45
WGPSG -- Thay cho lời chào mừng thật trang trọng đến quý khách hiện diện trong Lễ hội là màn trình diễn của ban nhạc “The Bond Chuyên Biệt Gia Định” với ca khúc “Victory”.

Những cô bé xinh xắn, dễ thương này đã ra mắt quý khán thính giả lần đầu, trong Lễ hội 2012 với tiểu khúc Viva! Thời gian qua, với nhiều lần tập dượt, trình tấu, biểu diễn, thì hôm nay, phong cách, tài nghệ sử dụng nhạc cụ của các em đã tiến bộ, thuần thục và đầy sáng tạo. Điều này chứng tỏ phương pháp giáo dục trực quan hành động đã giúp các em tiếp thu dễ dàng và mang lại nhiều kết quả tốt.

Xuất sắc nhất trong nhóm là em Trúc, mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại; bà mất, em sống với dì Út. Em rất có năng khiếu và say mê âm nhạc. Tuần qua, em bệnh nặng phải nhập viện, cấp cứu nhưng em xin: “Bác sĩ phải cho con về vì con là Ms USA phải hát cho lễ hội!” Hôm nay, xuất hiện trên sân khấu, mọi người lo ngại cho sức khỏe của em nhưng em vẫn vững vàng nhún nhảy, biểu diễn thật điêu luyện và còn solo một bài với các cử điệu do em tự sáng tác. Em còn làm nhạc trưởng cho nhóm múa khác. Đó chỉ là một trong những hoàn cảnh đặc biệt đáng thương của các em học sinh trong trường.

Trong niềm hân hoan mừng lễ Chúa Giáng Sinh, để sẻ chia niềm vui “Chúa đến đem yêu thương và an bình” cho tất cả mọi người, vào lúc 18g30, ngày 27/12/2013, hơn 500 khách mời đã đến tham dự Lễ hội Yêu thương tại trường Chuyên biệt Gia Định, số 280 Bùi Hữu Nghĩa P. 2, Q. Bình Thạnh.

Tọa lạc trong khuôn viên giáo xứ Gia Định, Trường Chuyên biệt Gia Định, do Cha sở Antôn Phùng Quang Mạnh sáng lập năm 1991, được mang cùng tên với giáo xứ. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, sự hiểu biết về các em Tự kỷ, các em Chậm phát triển còn chưa rõ nét trong dân gian, các phụ huynh của các em này chỉ biết ôm con than thở: “Bao ngày mong đời, ai cũng mơ ước con mình sinh ra, khôn ngoan, thông minh, lanh lợi nhưng buồn thay, và thậm chí còn xấu hổ với bà con; chúng nó không biết làm gì chỉ phá phách, chúng nó chỉ là “đồ bỏ đi”. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương, quan tâm và đồng cảm với nỗi đau của các gia đình có con em khuyết tật, Công giáo cũng như không Công giáo trong khu vực, cha sở đã có một “bước đi trước” trong lĩnh vực giáo dục chuyên biệt này. Từng bước, nhờ sự điều hành khéo léo của cha sở, nhờ lòng hảo tâm của các ân nhân xa gần; đặc biệt trong lĩnh vực chuyên môn được sự hướng dẫn của Cố tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, đồng thời nhờ sự yêu thương, tận tụy, kiên trì dạy dỗ của các giáo viên, những đứa con “đồ bỏ” này đã tiến bộ rất nhiều về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội. Các em đã có khả năng sống độc lập, có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Những tiến bộ này mỗi năm được các em thể hiện rõ nét trong ngày hội vui của các em: “Lễ hội Yêu thương”.

Lý do và nội dung của Lễ hội như cô Hiệu trưởng đã phát biểu: “Đây là dịp để trẻ em trong ngôi trường có cơ hội biểu diễn tài năng, “trình làng” những năng khiếu thật độc đáo mà các em có! Đây cũng là dịp để phụ huynh và giáo viên có dịp gặp gỡ trao đổi việc học, để thấy sự tiến bộ của trẻ hầu vui mừng và hạnh phúc hơn vì luôn có người đồng cảm và đồng hành với mình”.
Mặt khác, cũng là dịp để xã hội hóa, phát triển thêm về lãnh vực giao tiếp, một vấn đề mà trẻ Tự kỷ rất hạn chế. Đây cũng là dịp để cộng đồng xã hội đồng cảm với những gia đình có trẻ em Tự kỷ, trẻ em Chậm phát triển trí tuệ… họ đang khổ đau cần sự quan tâm, đồng cảm của xã hội…để những gia đình này có đủ kiên nhẫn nhìn con, giúp con phát triển qua phương pháp giáo dục đặc biệt của nhà trường.

Cùng quan điểm trên, cha giám đốc trường, Giuse Mai Thanh Tùng cũng nói lên sự cần thiết có một Lễ hội Yêu thương như thế này, tạo cho các em niềm vui vì được biểu diễn, vì được thể hiện chính mình. Ngài nhắc nhở mọi người nhớ ơn những người đã nằm xuống như: Cha cố sở Antôn, Cố giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Nữ tu Sabine, dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Cùng với sứ điệp yêu thương “đồng hành - đồng cảm - trân trọng - yêu thương - và giúp đỡ những gia đình có những con em có hoàn cảnh đặc biệt”, ngài tuyên bố khai mạc Lễ hội.

Suốt thời gian 3 giờ xem các màn biểu diễn của học sinh, các khách mời đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, không ngờ Lễ hội có những bước tiến vượt trội, từ cách dàn dựng, hóa trang biểu diễn đến nội dung phong phú, hàm chứa những kiến thức địa lý, sự tích lịch sử văn hóa dân tộc: Tàu Tốc Hành Xuyên Việt, Ca Trù, Trống Chầu, Sự tích Bánh chưng, Tiếng hát rừng xanh, Cuộc sống đồng quê, Chài lưới. Đa số trẻ Khuyết tật trí tuệ chậm nhớ, mau quên vì thế sẽ rất khó khăn nếu chỉ truyền đạt kiến thức suông cho các em; do đó, để trẻ có thể dễ dàng tiếp thu bài thì giáo viên phải chuyển tải nội dung bài học đến trẻ một cách gần gũi, đơn giản, khoa học và thực tế nhất: qua các phương pháp tâm vận động, âm nhạc trị liệu. Với âm nhạc trị liệu, các em tươi vui, thoải mải, dễ chịu và hạnh phúc. Chỉ việc cử động, lắc lư thân hình, nhúc nhích đôi tay, em biết giao tiếp, bắt chước…để tiếp thu, để học tập…và một điều lý thú là: Với thời gian, em có khả năng cảm nhận thật tài tình trong việc phân biệt nhạc Tây, nhạc Ta khi dòng nhạc du dương bắt đầu trổi lên. Thao tác nhuần nhuyễn… cử động rất phù hợp theo dòng nhạc… bất kể gió Tây hay gió Ta.

Các diễn viên ngây thơ này tạo những tình huống gây cười không sao cưỡng được nhưng tiềm ẩn biết bao tâm tình xúc động. Mọi người cảm nghiệm được rằng những sự cố này xảy ra do sự khiếm khuyết của các em: các em luôn động không thể ngồi yên, luôn hành động theo ý riêng mình, có em không chịu được tiếng ồn vừa bịt tai vừa biểu diễn…

Màn biểu diễn sự tích Bánh Chưng, hàm chứa nội dung rất sâu sắc. Lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh Chưng là hình tượng cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Chính nhờ được yêu thương vô điều kiện trẻ Tự Kỷ lớn lên thành người!

Hạnh phúc thay cho gia đình nào khi biết chấp nhận và yêu thương con mình, biết can thiệp sớm giúp các em phát triển. Các phụ huynh trong trường đã phát huy được yếu tố căn bản này. Họ đã thường xuyên liên lạc với nhau và với các giáo viên. Họ rất gắn bó với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và đồng cảm với nhau. Họ không còn đơn độc trong việc nuôi dạy con. Và như thế, nỗi lo đã vơi đi, họ có thể bình an vui tươi. Hôm nay, họ cũng đã hiện diện thật sinh động và hạnh phúc qua bốn tiết mục.

Trong số các gia đình đã tìm được hạnh phúc khi vượt thắng hoàn cảnh có thể kể gia đình Bé Ngọc trong màn vũ “Belly Dance Ah Wa Ya Li”, “Vũ điệu Ai Cập”. 

Tiết mục “Mẹ và con tự kỷ” qua ca khúc “Cho Con” thật sự gây xúc động cho mọi người. Vô tình cảnh mẹ và con biểu diễn đi vòng quanh sân khấu và cuối cùng hai mẹ con ôm hôn nhau gợi lên hình ảnh những phụ huynh có con tự kỷ, xách con chạy loanh quanh tìm trường, cuối cùng như tìm được phao cứu vớt khi đến trường Chuyên biệt. Một bà mẹ có con tiến bộ sau khi được can thiệp 5 năm qua cũng bùi ngùi kể lại ký ức gian khổ ngày xưa. 

Trong quá trình dạy và học của thầy trò trường Chuyên biệt, các giáo viên tâm sự: “Đôi khi, chúng tôi phải hóa thân thành tự kỷ như các em, lúc đầu, chúng tôi cũng ngượng nghịu nhún nhẩy theo các em. Nhưng khi hiểu được tầm quan trọng của âm nhạc trị liệu, hiểu được rằng không ai có thể cho cái mình không có, và nếu không có người làm mẫu làm sao các em có thể bắt chước; bây giờ, chúng tôi cũng điệu nghệ hơn rồi”. Sự điệu nghệ này được thể hiện qua màn trình diễn vũ điệu Tango của các cô giáo. Một cô vui vẻ khoe rằng: “Vũ điệu Tango không chỉ đóng vai trò liệu pháp chữa bệnh cho những bệnh nhân mắc chứng bệnh Parkinson mà còn cải thiện khả năng giữ thăng bằng và chức năng vận động cho con người. Đặc biệt, làm việc với trẻ em Tự kỷ, chúng tôi rất dễ bị “lên cơn sốt, run tay, khi các em bùng nổ!”

Đặc biệt, Cha phụ tá GB Lê Quốc Kiệt đã làm phong phú cho chương trình với tài ảo thuật: "Biến Không Thành Có Biến Có Thành Không" và đã làm các trẻ em và quan khách vô cùng thán phục, say mê!!!

Để kết, xin mượn lời của người Thầy quá cố tiến sĩ Nguyễn Văn Thành đã khuyên dạy các giáo viên: “Là những giáo viên trong ngôi trường Chuyên biệt Gia Định, muốn trẻ Tự kỷ phát triển, chúng ta phải thương yêu trẻ Tự kỷ vô điều kiện! Tiếp đến là làm sao cho người mẹ, người cha được hạnh phúc an bình, tươi vui… từ đó, họ biết nhìn con, chấp nhận con, thương yêu con, làm cho con phát triển”. Vâng, trường Chuyên biệt Gia Định đã làm như thế!

Xin Thiên Chúa chúc phúc cho tất cả những người thành tâm thiện chí xây dựng tình thương và an bình cho những con người bất hạnh trên quê hương Việt Nam thân yêu này.

LỄ HỘI YÊU THƯƠNG 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét